Phán quyết trọng tài thương mại có tính chung thẩm và có hiệu lực ngay tại thời điểm ban hành. Kết quả của việc giải quyết tranh chấp thương mại bằng phương thức trọng tài sẽ được thực hiện tự nguyện bởi các bên tranh chấp hoặc cưỡng chế từ phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo trình tự và thủ tục do luật định. Vậy để hiểu rõ hơn về phán quyết trọng tài thương mại, mời bạn theo dõi bài viết sau đây:
Phán quyết của trọng tài thương mại là gì?
Phán quyết trọng tài là quyết định của Hội đồng trọng tài về việc giải quyết toàn bộ nội dung của vụ việc tranh chấp. Phán quyết là chung thẩm và sẽ chấm dứt tố tụng trọng tài. Luật trọng tài thương mại quy định cụ thể vấn đề thi hành phán quyết của Trọng tài.
Nguyên tắc giải quyết bằng trọng tài thương mại
Căn cứ theo quy định tại Điều 4 Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định về nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài được quy định cụ thể như sau:
-
Trọng tài viên phải tôn trọng thoả thuận của các bên nếu thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm và trái đạo đức xã hội.
-
Trọng tài viên phải độc lập, khách quan, vô tư và tuân theo quy định của pháp luật.
-
Các bên tranh chấp đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ. Hội đồng trọng tài có trách nhiệm tạo điều kiện để họ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình.
-
Giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài được tiến hành không công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
-
Phán quyết trọng tài là chung thẩm
Hiệu lực của phán quyết trọng tài
Căn cứ vào khoản 5 Điều 61 của Luật trọng tài thương mại 2010 hiệu lực của phán quyết trọng tài được quy định như sau:
-
Phán quyết trọng tài là chung thẩm và có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
-
Một khi hội đồng trọng tài đưa ra phán quyết trọng tài thì các bên không thể tiếp tục khởi kiện lên Tòa án nếu quan hệ tranh chấp và chủ thể tham gia tranh chấp không khác với vụ việc đã có phán quyết trọng tài. Tuy nhiên, Tòa án vẫn có quyền xem xét hủy phán quyết trọng tài nếu một bên tranh chấp có yêu cầu.
Quy định về thi hành phán quyết của trọng tài thương mại
Viêc thi hành phán quyết trọng tài thương mại sẽ dựa trên tinh thần tự nguyện của các bên. Tuy nhiên thực tế không phải lúc nào bên phải thi hành phán quyết cũng chấp nhận thực hiện đầy đủ các yêu cầu đó.
Để đảm bảo cho phán quyết được thực hiện trên thực tế thì bên được thi hành có quyền gửi yêu cầu đến các cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành phán quyết sau khi đáp ứng các điều kiện nhất định.
Điều 66 Luật trọng tài thương mại 2010 quy định rõ về quyền yêu cầu thi hành phán quyết trọng tài thương mại như sau:
-
Nếu hết thời hạn thi hành phán quyết trọng tài mà bên phải thi hành phán quyết không tự nguyện thi hành và cũng không có đơn yêu cầu tòa án xem xét huỷ phán quyết trọng tài theo quy định tại Điều 69 của Luật trọng tài thương mại 2010, bên được thi hành phán quyết trọng tài có quyền làm đơn yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài.
-
Đối với phán quyết của Trọng tài vụ việc, bên được thi hành có quyền làm đơn yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài sau khi phán quyết được đăng ký theo quy định tại Điều 62 của Luật trọng tài thương mại 2010./.